Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Người Trung Quốc cũng ngại hàng 'Made in China'

Cô thích mua thực phẩm nhập khẩu từ Australia, Nhật Bản và Mỹ. Còn hàng Trung Quốc thì không đáng tin. "Có quá nhiều scandal rồi. Cả nước và đất ở đây cũng ô nhiễm nữa", cô cho biết. Tại Thượng Hải, những sản phẩm từ New Zealand, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) được bày bán khắp nơi.

Người Trung Quốc rất lo lắng về vấn đề ô nhiễm đất. Từ scandal sữa nhiễm melamine năm 2008 khiến 6 trẻ em thiệt mạng và hơn 54.000 trẻ khác nhập viện, họ đã lo ngại về thực phẩm sản xuất trong nước. Hàng loạt scandal sau đó - từ mỳ chứa phẩm màu công nghiệp đến thịt mèo, thịt chuột giả làm thịt thỏ, thịt cừu - càng khiến mối lo này tăng lên.

Hồi tháng 5, giới chức Trung Quốc đã lên kế hoạch cải tạo 90% số đất ô nhiễm trong vòng 4 năm tới. Trong một nghiên cứu năm 2014, 19% đất canh tác tại nước này nhiễm các chất độc như cadmium, nickel và asen. Chúng có thể gây ung thư và dị tật bẩm sinh.

nguoi-trung-quoc-cung-ngai-hang-made-in-china

Một khách hàng đang xem hoa quả nhập khẩu tại siêu thị ở Thượng Hải. Ảnh: Nikkei

Dù vậy, kể cả nếu chiến dịch 300 tỷ NDT (45,2 tỷ USD) này thành công, niềm tin người tiêu dùng vẫn rất khó lấy lại. Ada Kong - Giám đốc chiến dịch chất độc tại Đông Á, thuộc Tổ chức Hòa bình Xanh cho biết: "Người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là thực phẩm bẩn, và đâu là thực phẩm sạch". Họ cho rằng hàng nhập khẩu an toàn và có chất lượng tốt hơn.

Năm 2000, Trung Quốc đóng góp 3,3% nhập khẩu nông nghiệp toàn cầu, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng đến năm 2014, con số này đã tăng lên 9,1%.

Xuất khẩu nông phẩm từ Mỹ vào Trung Quốc đã tăng hơn 200% trong thập kỷ qua, lên 20,2 tỷ USD năm ngoái. Các mặt hàng phổ biến là sản phẩm trồng tại vườn, như táo, đậu tương, hạnh nhân hay cam quýt.

Còn với Australia, Trung Quốc hiện đã là đối tác nhập khẩu lớn nhất về nông - lâm - hải sản. Giai đoạn 2014 - 2015, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này lên tới 6,95 tỷ USD. Xuất khẩu từ châu Âu vào Trung Quốc năm ngoái cũng tăng gần 40% so với năm trước đó. Thịt lợn, hoa quả và ngũ cốc là các mặt hàng phổ biến.

James Roy - nhà phân tích thị trường tại China Market Research Group cho biết nhà giàu Trung Quốc luôn ưu tiên hàng nhập khẩu hơn nội địa. Thương hiệu giờ không còn là vấn đề quan trọng nữa, mà là xuất xứ. Thương hiệu nào cũng được, miễn là của nước ngoài.

Chính phủ các nước đang khuyến khích các hãng tận dụng nhu cầu này. Cao ủy Liên minh châu Âu về Nông nghiệp - Phil Hogan cho biết khoảng 3 triệu người châu Âu đang phụ thuộc trực tiếp vào xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu trong ngành nông nghiệp.

Tỷ phú Australia - Andrew Forrest đã nhìn ra cơ hội này từ lâu, và thành lập ASA100 - nhóm chuyên trách quảng bá thực phẩm Australia tại Trung Quốc, sau khi gặp Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường năm 2014. Tháng 4 năm nay, ASA100 thông báo đã đạt thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do cho nông phẩm nhập khẩu từ Australia tại thành phố Ninh Ba - gần Thượng Hải.

Xu hướng trên cũng có lợi cho các hãng nhập khẩu trong nước, như FruitDay. Hãng này chủ yếu bán đồ Mỹ, New Zealand và Chile. Doanh thu của họ năm 2014 đã tăng gấp đôi, lên 500 triệu NDT. Năm ngoái, họ còn nhận được 60 triệu USD tiền đầu tư từ JD.com - hãng thương mại điện tử lớn nhì Trung Quốc.

Fred Gale - nhà kinh tế học cấp cao tại Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận xét nhu cầu nhập khẩu không thể hạ nhiệt sớm. "Các chuỗi siêu thị và nhà hàng đang dần cải thiện. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng họ sẽ mắc sai lầm. Nhưng vấn đề này phải giải quyết từ từ, và nó có thể gây áp lực lên các nhà cung cấp", ông nói và cho biết Mỹ cũng từng gặp vấn đề tương tự. "Chúng tôi mất hơn 100 năm mới giải quyết được. Trung Quốc cần gây dựng hệ thống để tạo dựng niềm tin. Và điều này sẽ mất thời gian đấy".

Còn hiện tại, những người tiêu dùng rủng rỉnh hầu bao như Qian vẫn bài trừ hàng trong nước. "Trông thì cũng được đấy. Nhưng tôi chẳng biết chúng có an toàn hay không", cô nói.

Hà Thu (theo Nikkei)

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Đàn ông cần làm gì để sớm phát hiện bệnh

Nam giới thường ít quan tâm sức khỏe của bản thân hơn phái nữ dẫn đến nhiều trường hợp bệnh phát hiện muộn và trở nên trầm trọng. "Đàn ông thường có nhiều lý do để không đến gặp bác sĩ, đơn giản là cảm thấy bối rối hoặc không thể thu xếp thời gian", Eric Klein, Chủ tịch Học viện về Đường tiết niệu và thận tại Cleveland Clinic cho biết.

Các chuyên gia khuyên nam giới dành thời gian quan tâm đến bản thân với 4 bước đơn giản để có cuộc sống khỏe mạnh hơn:

Tự kiểm tra hàng tháng

Cứ 250 đàn ông thì có một người mắc bệnh ung thư tinh hoàn. Việc tự kiểm tra sức khỏe giúp bạn kịp thời phát hiện bệnh, nhờ vậy khả năng chữa trị thành công lên tới 95%.

Đừng chủ quan, vì bệnh tật không dựa vào tuổi tác

Khoảng 25% nam giới dưới 40 tuổi bị rối loạn cương dương, có thể là dấu hiện của tắc động mạch hoặc tiểu đường tuýp 2.

Hãy gặp bác sĩ của bạn

Những xét nghiệm thông thường có thể phát hiện một số bệnh như ung thư tuyến tiền liệt.

Lưu ý dấu hiệu cảnh báo bệnh tình dục

Tại Mỹ cứ 6 người trong độ tuổi từ 14 đến 49 thì có một người nhiễm virus Herpes. Hãy luôn quan hệ an toàn và để ý đến bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xuất hiện tại cơ quan sinh dục.

Kim Oanh

Siết điều kiện bệnh viện được thực hiện dịch vụ mang thai hộ

Đây là nội dung trong nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, điều kiện để các cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được siết chặt hơn.

Cụ thể, các cơ sở y tế muốn thực hiện dịch vụ mang thai hộ phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (quy định cũ là một năm). Ngoài ra, trong 2 năm liên tiếp, mỗi năm cơ sở thực hiện được tối thiểu 1.000 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm (quy định cũ 300 ca một năm).

Nghị định cũng quy định các cơ sở phải đáp ứng đủ về cơ sở vật chất và nhân lực như có phòng xét nghiệm nội tiết sinh sản có thể cung cấp kết quả trong ngày, một bình trữ tinh trùng, một máy ly tâm, một tủ sấy, một bình trữ phôi đông lạnh… Người thực hiện kỹ thuật phải có chứng chỉ hành nghề, đã được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, có xác nhận đã thực hành ít nhất 20 chu kỳ điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm…

Hiện nay, cả nước có 3 cơ sở được thực hiện kỹ thuật này là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Sau một năm, Bộ Y tế rút kinh nghiệm để xem xét cho phép các trung tâm khác đủ khả năng thực hiện.

Từ năm 2015, Việt Nam chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Quy định này nhằm tạo điều kiện sinh con cho những cặp vợ chồng không may mắn như phụ nữ không có tử cung hay bị cắt vì băng huyết, vỡ tử cung… hoặc vì bệnh lý mà không được phép mang thai. Mỗi năm nước ta có khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Chi phí một lần này là khoảng 2.000-3.000 USD, trong khi ở Mỹ là khoảng 35.000 USD.

Phương Trang

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Nguy cơ chiến tranh mạng Mỹ - Nga

nguy-co-chien-tranh-mang-my-nga

Mỹ và Nga đang có xung đột trên mặt trận không gian mạng.

Căng thẳng Mỹ - Nga đang ở mức báo động, liên quan đến các hoạt động tình báo và tấn công mạng, sau khi DNC bị đột nhập và lấy đi nhiều tài liệu mật. Phía Mỹ nghi ngờ Nga đã "nhúng tay" vào, khi họ phát hiện có ít nhất 2 nhóm hacker bao gồm Cosy Bear và Fancy Bear (có liên hệ mật thiết với nhà nước Nga) xâm nhập vào hệ thống.

"Nhiệm vụ của cơ quan tình báo là cố gắng tìm ra những hành vi vi phạm và người chịu trách nhiệm về nó, bất kể trong nước hay nước ngoài. Một khi các cơ quan trong nước bị đe dọa, chúng tôi sẽ có có động thái đáp trả trong giới hạn thẩm quyền của mình. Một khi nắm được manh mối, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sẽ nhanh chóng tìm ra kẻ đã tấn công. Đó là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng đó cũng là trách nhiệm mà chúng tôi đang gánh vác", Robert Joyce, Giám đốc Văn phòng Các chiến dịch Đột nhập Đặc biệt (TAO) thuộc NSA, nói với NBC News.

Tuy nhiên, Joyce từ chối thảo luận chi tiết các kế hoạch đề ra, ông chỉ tiết lộ đang cùng với FBI sử dụng "khả năng kỹ thuật và thẩm quyền pháp lý" để tấn công lại kẻ nào có mục đích lợi dụng không gian mạng để thu thập tin tức tình báo. Nhưng theo ABC News, ít nhất 3 nguồn tin tình báo đáng tin cậy khẳng định kế hoạch đã bắt đầu được thực hiện.

nguy-co-chien-tranh-mang-my-nga-1

Mỹ cũng có những đội quân hacker trình độ cao.

Trong khi đó, phía cơ quan tình báo Nga (FSB) tuyên bố đã có bằng chứng cho thấy đã có một số tổ chức "chuyên nghiệp" sử dụng phần mềm gián điệp nhắm mục tiêu khoảng 20 cơ quan nhà nước và các tổ chức quân sự của Nga. Mặc dù không chỉ đích danh, nhưng phía tình báo Nga nói rằng, "cơ sở hạ tầng của các thực thể bị tấn công" đã bị ảnh hưởng.

Tổ chức TAO từng được Edward Snowden tiết lộ vào năm 2013. Theo cựu nhân viên NSA, TAO là "vũ khí bí mật" mà NSA sử dụng cho các cuộc tấn công mạng bởi đây là một đơn vị có chuyên môn rất cao trong việc ngăn chặn từ hacker chuyên nghiệp cho đến hoạt động gián điệp mạng truyền thống. Ngày 25/7, trong một tweet, Snowden khẳng định không khó để NSA truy ra kẻ đã xâm nhập vào DNC, nhưng họ không công bố mà thôi.

Khi FBI vẫn đang tích cực điều tra, chính quyền Obama lại khá lưỡng lự không dám nói đích danh Nga là kẻ tấn công các cơ quan của nước mình. "Những gì chúng ta đã biết, là tin tặc Nga tấn công mạng vào nhiều hệ thống khác nhau, không riêng chính phủ. Nhưng, tất cả chỉ là rò rỉ, tôi chưa dám chắc chắn", Tổng thống Mỹ phát biểu.

Riêng về ứng viên Tổng thống Mỹ của DNC, bà Hillary Clinton, đã có động thái quyết đoán hơn, nhất là sau vụ gần 20.000 email nội bộ của quan chức đảng này bị phát tán trên WikiLeaks. "Chúng tôi biết, tình báo Nga trong đó có tin tặc, là một phần của chính phủ Nga và được kiểm soát chặt chẽ của Vladimir Putin. Việc email bị đánh cắp và phát tán trên mạng cũng do những người này đứng sau", bà Clinton cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 31/7. Tất nhiên, vụ việc chưa bao giờ được chính phủ Nga thừa nhận.

Cách thức tin tặc tấn công DDoS:

Bảo Lâm (theo IBTimes)

Xoài 'tí hon' có xuất xứ Trung Quốc

Trước thông tin gây tranh cãi về loại xoài "tí hon" - sản phẩm bị đồn là hàng Trung Quốc có ruột làm bằng nylon, khảo sát của VnExpress cho thấy, sản phẩm này đang bán rầm rộ khắp các đường phố và chợ truyền thống TP HCM.

Chị Hoa, tiểu thương tại chợ Hòa Bình (quận 5) cho biết, chị bán sản phẩm này được hai tuần nay. Toàn bộ hàng được lấy ở chợ đầu mối Thủ Đức.

"Tuần đầu tiên mỗi ngày tôi bán được cả tạ với giá 35.000 đồng một kg. Nhưng gần một tuần nay vì tin đồn xoài có ruột làm bằng nylon, sức bán đã giảm tới 70%", chị Hoa nói và cho hay, ban đầu khi đi lấy hàng, thương lái ở chợ đầu mối cho biết đây là sản phẩm của Châu Đốc (An Giang) nên mua với số lượng lớn. Tuy nhiên, sau tin đồn, giờ đây mỗi ngày chị chỉ lấy khoảng chục kg và nhập thêm các sản phẩm khác về bán cùng để tránh thua lỗ.

xoai-ti-hon-co-xuat-xu-trung-quoc

Xoài mút có giá bán tại chợ 35.000 đồng một kg. Ảnh: Thi Hà.

Cũng được thương lái đảm bảo sản phẩm có xuất xứ từ An Giang nên anh Thành, tiểu thương bán xe đẩy ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) mỗi ngày lấy 50-70kg. "Tuần đầu, ngày nào tôi bán hết ngày đấy, có khi chỉ đến xế chiều là đã hết hàng nhưng gần tuần nay buôn bán rất ế ẩm. Có lúc tôi phải cắt hột của nhiều loại xoài khác để so sánh nhằm xóa tan tin đồn ruột làm bằng nylon cho người tiêu dùng tin tưởng, nhưng vẫn ế ẩm", anh Thành nói.

Vẻ mặt cũng buồn thiu khi bán sản phẩm này, chị Thanh tiểu thương tại chợ Thị Nghè (Bình Thạnh) cho biết, các năm trước, chị có bán loại xoài Thanh Ca (An Giang) có hình dáng giống hệt xoài mút nên khi thấy sản phẩm về chợ chị lấy về bán liền. "Khi hỏi về nguồn gốc thì thương lái có cho biết là hàng Châu Đốc, tin tưởng tôi ăn thử thấy ngon nên nhập về bán. Bán được 5 ngày đầu khá chạy nhưng 2 ngày nay sức mua ế ẩm nên tôi chưa đi lấy đợt hàng mới", chị Thanh nói.

Tại Hà Nội, loại xoài này cũng bán đầy các chợ truyền thống như Mỹ Đình, Đồng Xa, Cầu Diễn và một số con đường, tuyến phố. Một tiểu thương trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) cho biết, loại quả anh bán là xoài Việt Nam giá 40.000 đồng một kg, khách có thể ăn thử trước khi mua. "Xoài này chỉ rộ vào tháng 7-8 nên nếu không mua thì sẽ không có cơ hội thưởng thức", tiểu thương này nói và cho biết đã bán sản phẩm này được 2 năm nay.

Trong khi tiểu thương các chợ khẳng định sản phẩm có nguồn gốc Châu Đốc, trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Mỹ Phụng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn An Giang cho biết, loại xoài trái "tí hon" đang bán trên thị trường hiện nay hình thức và mẫu mã giống với xoài Thanh Ca của tỉnh. Tuy nhiên, xoài Thanh Ca được An Giang trồng với số lượng khá khiêm tốn và cũng đã hết mùa hơn tháng nay, nên sản phẩm bán trên thị trường chắc chắn không phải là xoài Châu Đốc.

Là một người gắn bó lâu năm với các sản phẩm nông nghiệp An Giang, ông Đoàn Ngọc Phả, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn An Giang xác nhận từ trước tới nay loại xoài mút trên không hề có trong danh bạ giống cây trồng của Sở. Nếu có thì chỉ có xoài Thanh Ca nhưng loại này không phải là sản phẩm hột lép và thịt có xơ, không giống với loại xoài đã mô tả ở trên.

Chia sẻ về nguồn gốc giống xoài "lạ", bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng xác nhận, xoài Thanh Ca (An Giang) đã hết hàng hơn tháng nay. Còn loại xoài "tí hon" nói ở trên có xuất xứ Trung Quốc. Sản phẩm được một công ty ở miền Bắc vận chuyển bằng container vào miền Nam. Mỗi đêm đơn vị này vận chuyển về chợ đầu mối với số lượng 40-50 tấn, giá bán sỉ 15.000-20.000 đồng một kg (tùy thời điểm).

Bà cũng cho biết thêm, để phân biệt xoài nội địa và hàng Trung Quốc có thể căn cứ vào các đặc điểm như: xoài Việt vỏ dầy, thịt xơ, có hột lớn. Còn xoài Trung Quốc vỏ mỏng, hột lép, thịt dày và không xơ.

Riêng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Hà cho hay, các lô hàng nhập về chợ đều được các trạm kiểm dịch thu mẫu để kiểm tra hóa chất và dư lượng bảo vệ thực vật, nên chất lượng sản phẩm vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Nếu sản phẩm thiếu an toàn sẽ bị cơ quan quản lý tịch thu. Còn thông tin xoài có ruột làm bằng nylon là bịa đặt, vì trong mỗi hột xoài đều có một lớp màng bảo vệ hột.

Ông Nguyễn Quang Huy, chuyên viên nghiên cứu thuộc Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định tin xoài có ruột bằng nylon là tin đồn thất thiệt.

Theo ông, bên trong hạt xoài gồm có lớp xơ, rồi đến một lớp màng bọc lấy phôi trong cùng. Lớp màng này mỏng, trắng trong, khi phơi khô rất dễ bong ra. Người không biết tưởng là nylon, nhưng đây là cấu trúc tự nhiên của quả xoài.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học (Viện Cây ăn quả miền Nam), thì giống xoài này rất giống xoài cốc/cu trồng ở Hà Tiên hay một số tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ. Ở miền Tây trước đây có rất nhiều giống xoài, tuy nhiên chỉ khoảng 20 giống có tên gắn với địa phương và được phổ biến trồng thương mại, ví dụ: xoài Cát Chu, Hòa Lộc, Thanh Ca, Tượng và các giống nhập như xoài Australia, xoài Đài Loan, xoài Thái…. Các giống còn lại không có tên tuổi rõ ràng và được người dân gọi chung là xoài cốc hay cu. Giống xoài này trái rất nhỏ và cây rất sai quả, thường thu hái từ các cây cổ thụ còn sót lại.

Song Hà

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Bài tập thở giúp bạn ngủ ngon chỉ sau 60 giây

Bài tập thở giúp bạn ngủ ngon chỉ sau 60 giây

Con người cần ngủ để bảo vệ sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần. Theo Wonderful Engineering, bác sĩ Andrew Weil từ Havard đã sáng chế ra bài tập thở 4-7-8 dựa trên kỹ thuật kiểm soát hơi thở pranayama của người Ấn Độ, giúp bạn đi vào giấc ngủ chỉ sau 60 giây.

Các thực hiện như sau:
- Thở ra bằng miệng một hơi sâu.
- Ngậm miệng, hít vào bằng mũi, nhẩm đếm trong đầu từ 1 đến 4.
- Giữ hơi thở lại trong 7 giây.
- Thở ra hoàn toàn bằng miệng, tạo tiếng "phù", nhẩm đến từ 1 đến 8.
- Lặp lại các bước trên thêm 3 lần.

Bài tập trên cho phép oxy lấp đầy phổi rồi lưu thông khắp cơ thể, hỗ trợ bạn thư giãn và ngủ tốt hơn.

Minh Nhật

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Ấn tượng khó quên về bữa ăn trong bóng tối ở Sài Gòn

Nép mình trong một con hẻm trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1, Noir - Dining in the Dark đem đến cho tôi trải nghiệm khó quên về một bữa ăn hoàn toàn trong bóng tối. Bạn chỉ cần thư giãn, dùng vị giác để cảm nhận sự tinh tế của đồ ăn và để cho đầu óc thả trôi theo tiếng nhạc êm đềm.

Nhà hàng bóng tối không còn xa lạ ở nhiều nước trên thế giới nhưng mô hình này mới đến Việt Nam từ năm 2014 do anh Vũ Anh Tú, người Hà Nội cùng một cộng sự người Hà Lan sáng lập. Bước vào nhà hàng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là phong cách trang trí thanh nhã, ngăn nắp và gọn gàng. Để làm quen với việc không sử dụng thị giác và cách xác định đồ vật, chúng tôi được trao cho tấm băng bịt mắt và bộ xếp hình, như một cách "khởi động" trước khi bước vào trò chơi chính mang tên "ẩm thực châu Á".

an-tuong-kho-quen-ve-bua-an-trong-bong-toi-o-sai-gon

Làm quen với cách xác định đồ vật trong bóng tối. Ảnh: Hải Thu.

Tất cả thực khách được yêu cầu cất túi xách, vật dụng cá nhân, điện thoại hoặc những thứ có thể phát sáng như đồng hồ, bật lửa… vào ngăn tủ có khóa an toàn. Sau đó, chúng tôi được dẫn đến một căn phòng chìm trong bóng tối với nhân viên phục vụ là người khiếm thị. Chúng tôi không thể nhìn thấy bất kỳ thứ gì và hoàn toàn phụ thuộc vào sự hướng dẫn của nhân viên. Thú thật tôi có chút e ngại ban đầu khi bước vào không gian bản thân không thể chủ động bất cứ điều gì. Chúng tôi đặt tay lên vai nhau, xếp thành đoàn tàu và được bạn nhân viên dẫn đường đến chiếc bàn đặt trước.

an-tuong-kho-quen-ve-bua-an-trong-bong-toi-o-sai-gon-1

Xếp thành đoàn tàu vào phòng ăn. Ảnh: Noir.

Sau khi ngồi vào chỗ, chúng tôi được nhân viên giới thiệu các vật dụng có trên bàn. Từng khay đồ ăn được mang ra, đầu tiên là 4 món khai vị, tiếp đến 4 món chính và cuối cùng là 3 món tráng miệng. Quy định là phải ăn theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ món trên cùng bên phải và kết thúc với món trên cùng bên trái. Thị giác vốn là giác quan chiếm ưu thế nhất trong mọi hoạt động của con người, nhưng khi giấu đi, các giác quan khác sẽ được phát huy hơn. Chúng tôi thưởng thức từng món, tranh cãi với nhau về các loại thực phẩm, hoàn toàn quên đi việc chụp hình trước bữa ăn, về công việc bộn bề hay những lo toan trong cuộc sống. Chúng tôi ngồi đó, chìm trong tiếng nhạc, thưởng thức và cảm nhận từng món. Dần dần, khứu giác trở nên nhạy bén hơn, vị giác sắc sảo hơn và xúc giác cũng tinh tế hơn. Với cách chế biến cầu kỳ và đặc biệt, đôi khi chúng tôi không thể phân biệt được đang ăn thịt lợn hay thịt cừu, thịt bò hay ức vịt, cải bắp hay đu đủ xanh… Những món ăn được biến tấu một cách không ngờ và luôn khiến chúng tôi kinh ngạc cho tới tận phút cuối cùng.

an-tuong-kho-quen-ve-bua-an-trong-bong-toi-o-sai-gon-2

Nhân viên phục vụ trong nhà hàng đều là người khiếm thị. Ảnh: Noir.

Sự dè dặt lo lắng ban đầu hoàn toàn biến mất. Chúng tôi thoải mái chuyện trò trong bầu không khí cởi mở và hào hứng hơn. Kết thức bữa tối, nhân viên dẫn chúng tôi trở lại phòng chờ và cho xem hình ảnh cùng mô tả về các món ăn chúng tôi vừa thưởng thức. Điều thú vị nhất là chúng tôi có thể so sánh những phán đoán của mình với đáp án và biết được mình cảm nhận đúng bao nhiêu trong số đó.

Với chúng tôi, bữa ăn ở Noir là hành trình thông qua các giác quan, đem lại cảm nhận theo một cách hoàn toàn mới. Hơn hết, tôi nhận ra nỗ lực và sự kiên cường của người khiếm thị, họ khiến chúng tôi cảm phục từ tận đáy lòng. Họ chân thành, tự tin và lịch thiệp, với nụ cười luôn nở trên môi. Họ làm tốt hơn bất cứ nhân viên nào chúng tôi từng gặp. Trải nhiệm này khiến chúng tôi thấu hiểu hơn về khó khăn của người khiếm thị, đồng thời thấy trân trọng hơn những điều đang có.

Xem thêm: Nhà hàng Việt vào top 10 quán ngon ở Hong Kong